Ban Tổ chức cán bộ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

https://tccb.vnua.edu.vn/web


63 năm Học Viện Nông nghiệp Việt Nam giữa lòng thủ đô 65 năm giải phóng

Thủ đô Hà Nội ngoài danh xưng Tống Bình, Đại La, Long Đỗ, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Thăng Long còn mang các biệt danh Hà Thành, Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Ngàn năm văn hiến. Điều đó cho thấy bề dầy truyền thống của Thủ đô Hà Nội, một trong những thủ đô có diện tích lớn nhất và cũng là một trong các đô thị đông dân nhất thế giới hiện nay với 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện, trên 8 triệu dân, GRDP bình quân đầu người khoảng 3.500 USD/người/năm. Không chỉ là trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa, Hà Nội còn là trung tâm giáo dục, trung tâm khoa học công nghệ của Việt Nam với gần gần 1.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và gần 90 trường đại học, trong đó có các trường đại học hàng đầu như Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội...

Cờ đỏ sao vàng tung bay, cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng

Cờ đỏ sao vàng tung bay, cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng


Trong lịch sử phát triển của Hà Nội, một trong các mốc son đáng nhớ là sự kiện Thủ đô giải phóng cách đây tròn 65 năm (ngày 10/10/1954). Khi ấy, Hà Nội còn là một thành phố nhỏ xinh, trầm mặc. Sau thời khắc lịch sử ấy, Hà Nội vươn mình lớn dậy. Trong lĩnh vực giáo dục, sau giải phóng tròn 2 năm, có 3 trường đại học được thành lập giữa lòng thủ đô, trong đó có Học viện Nông lâm được thành lập ngày 12/10/1956. Ban đầu, ngôi trường này có trụ sở ở ngoại thành phía Nam thành phố Hà Nội – huyện Thanh trì, sau đó chuyển về huyện ngoại ô phía Đông – huyện Gia Lâm cho tới nay. Ở thời điểm thành lập, Học viện chỉ có 3 khoa với 27 giáo viên, đến nay đã trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ đa ngành, hàng đầu của Việt Nam phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế cả nước với hơn 1300 cán bộ giảng viên, trong đó có 11 giáo sư; 98 phó giáo sư, 290 tiến sĩ, 375 thạc sĩ. Hơn 80% cán bộ giảng viên của Học viện được đào tạo từ các trường Đại học hàng đầu của các nước có nền nông nghiệp và khoa học tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Bỉ, Hà Lan…

 

Về đào tạo, lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo là một nguồn nhân lực quan trọng, có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu nổi bật của nông nghiệp và nông thôn nước ta trong kháng chiến - kiến quốc trước đây và trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. Qua 63 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo cho đất nước trên 100.000 kỹ sư, bác sỹ thú y, cử nhân; hơn 10.000 thạc sĩ và gần 600 tiến sĩ. Học viện đã tiến hành đa dạng hóa chương trình đào tạo, cải tiến các điều kiện phục vụ học tập và sinh hoạt cho người học. Đến nay, Học viện đã xây dựng 44 ngành đào tạo đại học với 77 chương trình đào tạo đại học, 20 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 16 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động đa dạng ở trong nước và quốc tế. Để nâng cao năng lực cho người học, những năm gần đây, Học viện đã thực hiện các đề án tăng cường năng lực thực hành/thực tập, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng mềm, công nghệ thông tin và ngoại ngữ cho sinh viên; tăng cường tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế; Hàng năm, Học viện tổ chức nhiều buổi giao lưu sinh viên với doanh nghiệp, ngày hội việc làm (với gần 100 doanh nghiệp tham gia, hơn 3000 tân kỹ sư, cử nhân được tuyển dụng), chương trình khởi nghiệp, đưa sinh viên đi thực tế ở các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan… nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên được hiện thực hóa thành các doanh nghiệp khởi nghiệp. Do vậy, sinh viên tốt nghiệp của Học viện luôn đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và môi trường làm việc, cải tiến và sáng tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ, mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng, bảo vệ tốt môi trường sinh thái…

 

 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2019

Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2019

 

Về khoa học, hàng năm Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ được triển khai. Học viện ưu tiên dành kinh phí đầu tư cho NCKH, nhiều đề tài trọng điểm cấp Học viện, đề tài sinh viên NCKH. Nhiều sản phẩm NCKH của Học viện đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất  như vắcxin phòng bệnh cho vật nuôi, giống lợn Pietrain kháng stress, các giống lúa, cây trồng, vật nuôi, sản phẩm mang thương hiệu của Học viện. Học viện tích cực tham gia nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khẩn cấp của ngành nông nghiệp như dịch tả lợn Châu Phi, bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, xử lý ô nhiễm môi trường, các quy trình kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Học viện đã tạo ra hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi mới, hàng chục mẫu máy, xây dựng hàng trăm quy trình, công nghệ kỹ thuật tiến bộ, mô hình tổ chức và quản lý sản xuất, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, từ 2015 đến nay, mỗi năm cán bộ, giảng viên Học viện công bố 400-500 bài báo trong nước, 100-120 bài báo quốc tế, 8-10 tiến bộ kỹ thuật và sản phẩm khoa học công nghệ cấp quốc gia. Do các thành tích nổi bật về nghiên cứu khoa học, năm 2018.

 

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, trong 10 năm gần đây, Học viện đã nâng cấp và xây dựng mới gần 100 phòng học, đầu tư xây dựng 52 phòng thí nghiệm trong đó có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm, 3 phòng đạt chuẩn ISO, 82 mô hình khoa học công nghệ, Bệnh viện Thú y, Bệnh viện cây trồng, vườn thực vật, khu thí nghiệm… phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Học viện đã và đang tích cực triển khai dự án WB với nguồn vốn vay ưu đãi 54 triệu USD để tiếp tục xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất nhằm cải tiến điều kiện học tập và làm việc của cán bộ và sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Với chính sách xây dựng văn hoá chất lượng và kiểm định quốc tế, Học viện là trường đại học đầu tiên trong khối các trường nông lâm nghiệp đạt kiểm định chất lượng giáo dục thành công theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ tháng 9/2017. Bên cạnh đó, từ tháng 06/2018, 2 chương trình tiên tiến của Học viện đã kiểm định thành công theo tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA. Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức giáo dục và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hoặc cả nước.

 

Với các thành tựu và đóng góp nổi bật cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, nhiều nhà khoa học của Học viện đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; nhiều công trình khoa học và cá nhân nhà khoa học của Học viện được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, các giải thưởng nhà nước khác, giải thưởng Kovalepskaia; Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã hai lần đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hai lần được nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đồng thời được nhận Huân chương Tự do và Huân chương Lao động hạng nhất do nước CHDCND Lào trao tặng... Quá khứ đáng tự hào ấy tạo nền cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam đi tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cho chương trình Nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước nhà. Không những vậy, cùng với sự lớn mạnh của Thủ đô, của huyện Gia Lâm trong quá trình chuyển mình lên quận nội thành, thành đô thị văn minh vùng phía Đông thành phố, với dự án WB, ngôi trường đại học có bề dày truyền thống là Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ trở thành trung tâm, thành hạt nhân của đô thị văn minh Gia Lâm, Hà Nội.

 

Phối cảnh minh họa tỷ lệ 1/500 quy hoạch của Học viện
Phối cảnh minh họa tỷ lệ 1/500 quy hoạch của Học viện

Nguồn tin: Ban CTCT&CTSV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây