Phát biểu tại lễ trao giải, ông Trần Thanh Mẫn khẳng định bình đẳng giới trong khoa học công nghệ không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Ở Việt Nam, bên cạnh việc phải đối mặt với những khó khăn chung như một số cơ chế chính sách còn thiếu nhạy cảm giới, cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa học còn chưa hiện đại, đầy đủ, đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học nữ còn đứng trước không ít thách thức khá đặc thù.
[Việt Nam có nhiều chính sách phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ]
Quan niệm mang tính định kiến về trách nhiệm của phụ nữ đối với công việc gia đình là rào cản khiến không ít các chị em phải nỗ lực gấp bội nếu muốn dành thời gian tương tự như nam giới cho công việc, cho niềm say mê nghiên cứu. phát minh, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Ông Trần Thanh Mẫn cho biết trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có các chính sách, quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học nói riêng tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, không ngừng cống hiến, đóng góp cho sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ.
Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, ngoài sự nỗ lực tự thân của các nhà khoa học nữ, rất cần sự thay đổi trong nhận thức và ghi nhận của xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của các chị em.
Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 được trao tặng một nhà khoa học và một tập thể nữ có nhiều sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực xử lý môi trường, nông nghiệp được lựa chọn trao giải Kovalevskaia năm 2018.
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đoạt giải cá nhân và Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận giải tập thể.
Là cá nhân trẻ tuổi nhất từng được nhận Giải thưởng Kovalevskaia, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1974) đã có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, bao gồm 105 công bố khoa học trong và ngoài nước cùng nhiều sản phẩm được chuyển giao, ứng dụng trong nông nghiệp. Tiêu biểu như bộ kit chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS), bệnh tai xanh ở lợn; chế phẩm vi sinh vật (đệm lót sinh học) sử dụng trong chăn nuôi…
Giải tập thể được trao tặng các nhà khoa học nữ ở Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với nhiều thành tích đã đạt được trong hai hướng nghiên cứu chính: Công nghệ xử lý, tận dụng chất thải và phân tích, đánh giá chất lượng môi trường.
Từ hai hướng này, nhiều đề tài, mô hình đã được triển khai ứng dụng như: “Xây dựng hệ thống xử lý nước dệt vải nhuộm,” “Nghiên cứu chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước ngầm có hàm lượng asen cao," “Sử dụng các biện pháp sinh học để xử lý nước thải”…
Giải thưởng Kovalevskaia được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.
Từ năm 1985, Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho các nhà khoa học nữ ở Việt Nam. Đến nay đã có 48 cá nhân và 19 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được lựa chọn trao giải.
Hiện nay, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Doan là Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam.
Nguồn tin: Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc